Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Những phát minh đột phá tác động tới tương lai ngành y

Máy phát điện nano FFNG hoạt động nhờ máu người

Đại học Phục Đán (FU), Thượng Hải, Trung Quốc cho ra đời một loại máy phát điện siêu nhỏ vận hành bằng năng lượng sinh ra từ dòng máu con người để cung cấp điện năng cho các thiết bị cấy ghép trong cơ thể. Thực chất đây là máy phát điện nano (nanogenerators) đã qua cải tiến từ các phiên bản đi trước, khắc phục nhược điểm gây ra cục máu đông, dẫn đến biến chứng tử vong. Các tuabin nhỏ kiểu này có tên Máy phát điện nano dạng lỏng hình sơ sợi (FFNG), có cấu trúc lõi polyme được bọc các lớp ống nano carbon, có thể biến tĩnh mạch của con người thành các nhà máy điện nhờ sự chuyển động của dung dịch bao quanh nó. Theo nhóm đề tài, qua thử nghiệm trên loài nhái cho thấy, FFNG có thể tạo ra năng lượng nhiều hơn so với các thiết bị phát điện có kích thước tương tự, hiệu suất chuyển đổi điện năng của FFNG đạt trên 20%.

Trước đó, vào năm 2011, các nhà khoa học Thụy Sĩ cũng từng cho ra đời tuabin nhỏ, hoạt động trong động mạch, tạo ra điện năng từ quá trình lưu thông của máu nhưng lại có nhược điểm là tạo ra huyết khối gây chết người. Máy phát điện nano FFNG của FU dùng một dãy ống nano carbon sắp xếp bao quanh một lõi polyme nên nó khắc phục được nhược điểm này và là nguồn điện tại chỗ, rất hữu ích cho các thiết bị cấy ghép hoạt động liên tục, mà không cần đến nguồn điện cấp từ bên ngoài.

Máy ảnh nhìn xuyên cơ thể

Nhóm chuyên gia đến từ Đại học Edinburgh (UoE), Scotland vừa phát triển thành công một máy ảnh có thể nhìn xuyên cơ thể con người. Nó sẽ trở thành công cụ hữu ích, giúp bác sĩ phát hiện nhanh những bất thường diễn ra bên trong cơ thể. Khi kết hợp với đèn nội soi, thiết bị có thể nhìn thấu các khoang rỗng bên trong cơ thể. Thông thường, đèn nội soi là một dụng cụ thon nhỏ và dài, thường được gắn thêm camera, cảm biến và đèn chiếu. Tuy nhiên, nếu không tiến hành chụp X-quang thì rất khó xác định chính xác địa điểm trong cơ thể mà đèn nội soi đang hoạt động.

Loại máy ảnh mới này của UoE có thể khắc phục được điều này nhờ khả năng phát hiện nguồn ánh sáng bên trong cơ thể. Với hàng nghìn máy dò photon tích hợp bên trong máy ảnh, thiết bị có thể phát hiện những hạt ánh sáng được chiếu qua các mô. Khi photon tiếp xúc với các cấu trúc cơ thể, ánh sáng thường phân tán hoặc bật ra khỏi mô, và độ nhạy của máy ảnh cho phép nó nắm bắt những vết tích nhỏ nhất của ánh sáng. Nhưng khi kết hợp các tín hiệu ánh sáng có định hướng vào máy ảnh với các photon phân tán rải rác, thiết bị có thể xác định địa điểm mà đèn nội soi phát ra ánh sáng bên trong cơ thể. Máy ảnh này "nhạy cảm đến mức nó có thể phát hiện các vết ánh sáng cực nhỏ đi qua các mô từ ánh sáng của nội soi”. Khả năng nhìn thấy vị trí của một thiết bị rất quan trọng đối với nhiều ứng dụng trong lĩnh vực chẩn đoán và chữa trị bệnh cho con người.

Lần đầu tiên FDA phê duyệt liệu pháp gen trị ung thư tại Mỹ


Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa chấp thuận liệu pháp gen để trị ung thư tại Mỹ. Đây là lần đầu tiên phương pháp này chính thức được phê duyệt, nó có tên Kymriah, sẽ được sử dụng để điều trị một số bệnh nhân trẻ tuổi và trẻ em có biểu hiện bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính, một dạng ung thư tủy xương và máu.

Theo FDA, gen và trị liệu tế bào sẽ lập chương trình cho tế bào miễn dịch được lấy từ cơ thể bệnh nhân để chúng có thể nhận dạng và tiêu diệt bệnh. Trong liệu pháp Kymriah, bác sĩ sẽ thu hoạch các tế bào T của cá nhân mắc bệnh và gửi chúng đến trung tâm sản xuất. Ở đó, chúng được biến đổi để tạo ra một gen mới có chứa một protein báo hiệu cho tế bào T biết để tìm và diệt các tế bào ung thư. Các tế bào đã được tăng cường này sau đó được truyền vào cơ thể người bệnh.

Đánh giá về tầm quan trọng của việc phê duyệt của FDA, Scott Gottlieb, thành viên phân ban phê duyệt của FDA nói: "Chúng ta đang bước chân sâu vào lĩnh vực cải tiến y tế để tái lập trình các tế bào riêng cho từng người bệnh, giúp họ giết chết các tế bào ung thư nguy hiểm. Các công nghệ mới như liệu pháp gen và tế bào có tiềm năng rất lớn, làm thay đổi thực chất bộ mặt ngành y học, thậm chí có thể tạo ra một điểm viêm nhiễm để điều trị nhiều căn bệnh mà hiện y học vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị”.

Khắc Hùng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét